Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu quá thấp
Trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến sản xuất của nhiều tập đoàn toàn cầu. Theo giới chuyên gia, việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất là cần thiết với doanh nghiệp Việt Nam.
Tại diễn đàn kinh doanh "Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp” chiều ngày 26/6 tại Hà Nội, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc Việt Nam được nhiều quốc gia, tập đoàn, DN lớn trên toàn cầu lựa chọn là một trong những điểm đến đầu tư chiến lược và nhiều tiềm năng mang đến cơ hội lớn cho nền kinh tế và các DN Việt Nam trong việc tiếp nhận dòng vốn đầu tư, công nghệ, qua đó trở thành mắt xích trong những chuỗi cung ứng đang bị thiếu hụt trên toàn cầu.
Mặc dù chuỗi cung ứng đã dần được tái cấu trúc, nhưng thực tế đa số các DN công nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Theo Bộ Công Thương, nước ta hiện nay có khoảng 2.000 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, cho hay, trong gần 1 triệu DN chỉ có khoảng 5.000 DN thực sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tức chỉ chiếm 0,001%. Còn theo số liệu của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), trong 5.000 DN này chỉ có 100 DN là nhà cung ứng cấp 1.
"Tỷ lệ DN Việt Nam thực sự trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu là rất thấp. Điều này cho thấy việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay là nhu cầu hết sức cấp bách. Đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu chuyển dịch chuỗi cung ứng từ những quốc gia khác đang diễn ra một cách rất nhanh và mạnh", chuyên gia nhìn nhận.
Nghiên cứu của Economica Việt Nam chỉ ra rằng, cộng đồng DN Việt đang gặp phải nhiều khó khăn khi gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, khó khăn đầu tiên là yêu cầu khắt khe về phương diện kỹ thuật, quản trị, thiết lập hệ thống công nghệ, thời gian giao hàng từ những người mua ở nước ngoài, những doanh nghiệp đầu chuỗi. Những yêu cầu này đòi hỏi DN Việt phải nguồn vốn rất lớn và sẽ phải liên tục để đáp ứng yêu cầu của DN đầu chuỗi.
"Để đầu tư số tiền vốn lớn như vậy, thông thường các DN phải có niềm tin rất lớn vào môi trường kinh doanh, lòng tin rất lớn vào khi họ đầu tư sẽ là an toàn, sẽ không có quá nhiều sự thay đổi về cơ chế chính sách, không có sự thay đổi về quy định pháp luật", ông Bình nêu.
Ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công thương (Bộ Công Thương), thẳng thắn cho rằng, còn một số khó khăn trong quá trình thực thi chính sách hỗ trợ, như nhận thức, tư duy, cách nghĩ, tầm nhìn của các nhà làm chính sách. Thiếu minh bạch và bình đẳng, thiếu tính ổn định, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu chặt chẽ.
Bên cạnh đó, chính sách thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng thực thi không hiệu quả. Chưa có những cơ chế, chính sách riêng cho khuyến khích phát triển logistics xuất khẩu.
Chuỗi sản xuất, xuất khẩu còn gặp vướng mắc theo các quy định của pháp luật hiện hành. Nhận thức và năng lực thực thi chính sách thúc đẩy xuất khẩu từ phía các DN cũng là hạn chế.
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế TW) cho rằng, thách thức lớn nhất là nguồn nhân lực. Việt Nam không thừa lao động mà đang thiếu lao động có kỹ năng tay nghề và cả lao động phổ thông. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh, thu hút dòng vốn lớn, nhu cầu năng lượng lớn cần cân nhắc.
Ngoài ra, thách thức trong kết nối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Yêu cầu của DN FDI với DN địa phương là tính ổn định và chất lượng cao. DN trong nước muốn tham gia và kết nối vào chuỗi cung ứng cần đầu tư vào con người, công nghệ nhưng cần quan tâm đến những rủi ro trong đầu tư khó kiểm soát.
Đổi mới cách thức hỗ trợ
Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, dù Chính phủ đã thực hiện nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng mà Việt Nam có thế mạnh nhưng đứng trước yêu cầu của thị trường, chính sách hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu của DN. DN phải là những người đặt ra nhu cầu trước, sau đó Chính phủ thiết kế chương trình hỗ trợ cho DN lớn mạnh, tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực DN trong nước ở những ngành quan trọng có tiềm năng liên kết lớn.
Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), đề xuất tăng cường chính sách hỗ trợ DN trong đầu tư đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng và chuyển dịch năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, tích hợp xây dựng thương hiệu DN và sản phẩm với các xu thế thương mại và sản xuất toàn cầu hóa. Xây dựng liên kết giữa DN nội địa với DN FDI để đáp ứng các chuẩn mực và vượt qua rào cản mới trong thương mại quốc tế.
TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam.
Còn chuyên gia Lê Duy Bình nhấn mạnh việc thay đổi cách thức hỗ trợ DN. Khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi trở lại và đặc biệt là cơ hội mới bắt đầu xuất hiện, có sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, các DN phải tự nâng cao năng lực nội tại, phải vươn ra thị trường quốc tế và cạnh tranh trực tiếp với DN nước ngoài theo đúng nguyên tắc thị trường.
Do vậy, các chính sách hỗ trợ cần phải được điều chỉnh để chính cộng đồng DN chuẩn bị tốt nhất cho việc cạnh tranh này và tự mình nâng cao về mọi phương diện để có thể xác lập vị trí của DN trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Chính sách hỗ trợ cần tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm, có giá trị gia tăng cao, những chuỗi cung ứng là tương lai của thế giới và cũng là tương lai của kinh tế Việt Nam trong thập kỷ sắp tới như công nghiệp bán dẫn, chip, năng lượng xanh, giao thông xanh, y tế, chăm sóc sức khoẻ", ông Bình gợi ý.
Cũng theo ông Bình, chính sách hỗ trợ theo hướng trọng điểm này sẽ nâng cao năng lực tự lực tự cường của DN. DN sẽ nỗ lực tiên phong hơn nữa, đổi mới hơn nữa, dám nghĩ dám làm hơn nữa, dấn thân vào những lĩnh vực mới, đòi hỏi sự sáng tạo, đòi hỏi đầu tư mạnh về vốn, ý tưởng, sáng tạo để có thể tham gia chuỗi một cách đầy đủ.
"Nếu thay đổi cách hỗ trợ sẽ gửi một thông điệp quan trọng, mạnh mẽ đến DN: đổi mới chính mình, dựa vào năng lực của chính mình để triển khai kế hoạch kinh doanh, đầu tư ra sao để trở thành tác nhân trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chứ không chỉ trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước", ông Bình nói.
Nguyệt Minh